Chúng tôi là những sinh viên vùng cao miền Tây Bắc của tổ quốc. Những ngày học ở dưới xuôi, chúng tôi thường hay thấy các bạn sinh viên dưới đó kẻ dòng chữ HS & TS= VN.
Rồi đọc ở những trang mạng như bauxite, danluan,chantroimoi... chúng tôi mới biết các bạn sinh viên khắp các tỉnh thành trong cả nước đang thể hiện mãnh liệt tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền lãnh hại , quần đảo trước sự xấm lấn của giặc Tầu bằng dòng chữ trên.
Mấy anh em chúng tôi nói với nhau, chả lẽ quê mình không có những dòng chữ này sao.? Quê mình ngay sát biên giới Tầu, nhất định cần phải có, không thể thua kém các bạn tỉnh khác. Hè rồi về quê, anh em chúng tôi chở nhau bằng xe máy đi dọc con đường từ Lai Châu sang đến Điện Biên để thực hiện việc kẻ dòng chữ yêu nước như các bạn dưới xuôi đang làm.
Lúc đầu chúng tôi kẻ dòng chữ HS.TS.VN được mấy nơi. Lúc sau bọn tôi thấy dân đi qua họ nhìn như không hiểu. Mấy anh em bàn nhau viết tắt thế này, bà con ở đây kém thông tin, không hiểu được đâu. Phải viết rõ thôi, thế là chúng tôi quyết định viết xen kẽ, cứ dòng HS.TS.VN lại đến dòng chữ rõ ràng Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam. Khi viết dòng chữ rõ ràng này thì có một ông trung niên đến hỏi tại sao các cháu lại viết thế. Chúng tôi trình bày về sự an nguy của hai quần đảo này trước tham vọng của bọn Trung Quốc và tình hình thanh niên cả nước đang nỗ lực kẻ những dòng này, riêng tỉnh nhà ta giáp biên giới với Trung Quốc mà lại chưa có, nên chúng cháu phải kẻ. Người đàn ông nghe xong tức giận nói
- Chú cũng là lính biên phòng hồi chống Tàu đây, chúng mày kẻ như thế chưa đủ, phải viết thêm vào cho chú câu '' đẽo phải của Tầu''
Chúng tôi nói cho chú biết, mình làm thế này cần phải văn minh, nói như thế người đọc không thiện cảm. Người đàn ông càng tức hơn, chú ấy quát
- Mẹ, ở đây miền ngược không như dưới xuôi, cái gì cũng phải thẳng luôn. Chúng mày sợ không dám làm thì sơn làm gì. Mày viết đi để bà con đây đọc xong, tao sẽ giải thích. Chứ viết của Việt Nam thì người ta chả hiểu gì hết. Chúng mày có viết không thì để tao viết.
Anh em chúng tôi nhìn nhau, sau cũng đành gật đầu chiều ông cựu chiến binh máu nóng đó. Thế là thành dòng chữ Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam lại thêm cái đoạn Đéo Phải Của Tầu ở phía dưới là vậy.
Sang đến địa phận khác, đang viết thì có một thanh niên dân đi qua bỗng đứng lại nhìn. Hỏi chuyện chúng tôi, nghe chúng tôi giải thích. Anh ấy giằng lấy cái bình xịt nói
- Các chú cho anh viết với.
Anh viết xong dòng chữ Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam xong, yêu cầu chúng tôi chụp tấm ảnh làm kỷ niệm. Chúng tôi hỏi chụp ảnh này công an biết anh viết, bắt anh xóa hết tất cả thì sao. Anh ấy nói
- Tao làm đường đoạn này, bắt tao xóa hôm nay, ngày mai tao lại viết. Bọn mày để lại cho tao cái bình sơn. Tao làm đến chỗ nào đẹp tao sơn mấy nhát.
Chúng tôi tiếp tục đi , vì trời đổ mưa, sơn không ăn vào tường, thành cầu nên chúng tôi dừng lại. Tuy thế cũng điểm lại gần 300 cây số của hai tỉnh Điện Biên, Lai Châu đã rải rác những dòng chữ Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam. Có lúc đang sơn có những chiếc xe biển xanh chạy qua, nhưng anh em chúng tôi không hề nao núng vẫn cố sơn thật nắn nót. Chúng tôi bảo nhau mình làm phải đàng hoàng, nắn nót để chọ họ ( chính quyền ) khi thấy mình làm, hay khi đọc những dòng chữ ngay ngắn đầy đủ họ càng phải ý thức về tâm nguyện của thanh niên. Một tâm nguyện cực kỳ chính đáng mà nhà nước cần phải quan tâm.
Thế là vùng Tây Bắc xa xôi của tổ quốc cũng không hổ thẹn với các bạn dưới xuôi. Những dòng chữ đỏ thắm tình yêu quê hương đất nước đã được thể hiện đầy đủ, rõ ràng trên những tuyến đường quốc lộ đông người đi lại. Thông điệp về tình yêu quê hương, về ý chí khẳng định chủ quyền đất nước đã được ghi dấu rành rẽ trên hai tỉnh Điện Biên, Lai Châu. Dù ở vùng núi cao địa đầu tổ quốc nhưng tấm lòng của người miền núi vẫn hướng tới những quần đảo xa xôi của tổ quốc mãi ngoài khơi. Những người ngư dân Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Khánh Hòa và những người sơn tràng Điện Biên, Lai Châu mãi mãi là cùng một dân tộc Việt Nam, sẽ gắn bó chung cùng số phận không phân biệt vùng miền. Bởi bất cứ một miếng đất, vùng biển, hòn đảo nào của đất mẹ Việt Nam bị cắt lìa đều gây đau đớn cho đất mẹ Việt Nam.
Chúng tôi sẽ tiếp tục kẻ những dòng chữ này trên quê hương mình, và vận động các bạn ở quê hương cùng góp tay để Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi trong ý thức, tâm khảm người Việt Nam dù ở bất cứ đâu đều phải ghi khắc rằng là của chúng ta, của dân tộc Việt Nam, của đất mẹ Việt Nam hàng ngàn năm lịch sử.