Wednesday, May 26, 2010

Thanh Niên Hành Động Vì Đất Nước tiếp tục dán tờ rơi tại Cần Thơ và Saigon.

Thanh Niên Hành Động Vì Đất Nước tiếp tục dán tờ rơi tại Cần Thơ và Saigon.
__________________

Kính gửi Ủy ban Phối hợp Hành động vì Dân chủ.

Kính thưa Ủy ban,

Chúng tôi xin gửi đến ủy ban một số hình ảnh dán tờ rơi tại Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Những hình ở Cần Thơ đã được làm từ ngày 10/5. Các hình ở TP Hồ Chí Minh được thực hiện trong 2 ngày 20 và 21/5.

Thay mặt nhóm Thanh niên Hành động vì Đất nước .

NT









Monday, May 17, 2010

Hình ảnh khẩu hiệu HS.TS.VN

Nhiều bạn trẻ Việt Nam tiêp tục hưởng ứng Lời kêu gọi Ngàn Năm Thăng Long bằng cách in ấn vẽ khẩu hiệu HS.TS.VN nơi công cộng.

Hình ảnh từ nhóm Thanh Niên Hành Động vì Đất Nước








Đoàn Thanh Niên Dân Chủ Việt Nam






Một bạn trẻ tên Thanh

http://danluan.org/node/4703

HS.TS.VN: Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam

Thanh

Kính gởi Ban Biên Tập Dân Luận,

Đọc được bài của bạn Nguyễn Minh và lời kêu gọi "Hãy bắt đầu bằng từng bước nhỏ để đạt một thay đổi lớn", tôi quyết định làm theo bạn Nguyễn Minh. Đó là tìm cách vẻ "HS - TS - VN" ở những nơi mà tôi có thể vẻ được. Vì tôi thấy cách này hay. Nếu bắt tôi phải vẽ cả hàng chữ "Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam", thì tôi không dám làm, vì sẽ mất thì giờ rất nhiều, công an hay bảo vệ sẽ thấy và làm khó khăn. Do đó, sáng kiến cùa bạn Nguyễn Minh là viết tắt thành HS - TS - VN cũng là cách nói lên lòng yêu nước và đau buồn thay, lòng yêu nước này người ta không cho những thanh niên như tôi được biểu lộ công khai.

Các hình tôi gửi Ban Biên Tập là các hình do tôi làm ở huyện Hóc Môn, thành phố HCM vào ngày 14/4. Chiều nay, 15/4, các chữ này vẫn còn nguyên. Tôi làm như vậy vừa để nói lên lòng yêu nước, vừa biểu lộ sự khâm phục của tôi đến anh Điếu Cày, đã dám dăng biểu ngữ công khai giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Mong rằng trong tù anh được bình an và khi ra tù, tôi tin rằng bên anh sẽ có tôi và nhiều thanh niên khác.

Rất mong Ban Biên Tập Dân Luận cho đăng các tấm hình này. Khi tôi làm được nữa, sẽ tiếp tục gởi đến Ban Biên Tập.

Thanh






Friday, May 14, 2010



Thông Báo số #29 của Đảng Vì Dân
v/v: CSVN khủng bố thành viên Đảng Vì Dân


Houston, TX -- 10/05/2010 (ĐVDVN) - Theo thông tin riêng vừa nhận được từ " một người bạn ở Việt Nam", nhà cầm quyền CSVN đã dùng nhục hình và khủng bố tinh thần một cách nặng nề đối với ít nhất là 3 trong số 7 thành viên của Đảng Vì Dân đang bị giam giữ.

1. Trường hợp thứ nhất là anh Dương Âu. Tin cho biết anh Dương Âu đã bị cơ quan an ninh điều tra đánh gẫy răng và bầm mặt sau khi bị bắt giữ. Vì lý do đó, trại giam B34 đã nhiều lần không cho phép thân nhân được gặp mặt anh trong những kỳ thăm nuôi. Hiện nay, anh Dương Âu bị giam tại Trại Mác ở Lâm Đồng và thân nhân của anh vẫn luôn bị nhiều khó khăn trong việc gặp mặt khi thăm nuôi. Các anh Phùng Quang Quyền, Trương Văn Kim và chị Trương Thị Tám vẫn bị phân biệt đối xử trong suốt thời gian qua; và gia đình của cả bốn người vẫn còn bị công an địa phương tra hỏi, hăm doạ; cũng như bị hạn chế tối đa việc gặp mặt khi thăm nuôi những người thân đang thụ án.

2. Trường hợp thứ hai là Ký giả Trương Minh Đức (TMĐ). Theo lời chị Nguyễn thị Kim Thanh, anh TMĐ đã bị chuyển trại từ Phân Trại K2 (nơi giam tù nhân chính trị) sang Phân Trại K4 (nơi giam tù hình sự) một cách bất ngờ vào ngày 29/3/2010, và cô lập hoàn toàn sinh hoạt của anh với các tù nhân khác ngay sau đó. Tại K4, anh bị giam chung với các tù nhân hình sự có án lâu năm và bị phân biệt đối xử một cách nặng nề. Ban Quản giáo luôn gây khó khăn cho chị khi thăm nuôi chồng, như hạn chế số lượng quà từ 7kg xuống 5kg, rút ngắn thời gian chị được nói chuyện với anh TMĐ. Đáng chú ý hơn cả là Ban Quản giáo đã ra lệnh cấm không cho bất cứ tù nhân nào tiếp xúc hay nói chuyện với anh TMĐ, đã phạt kỷ luật những người có ý muốn trợ giúp cho anh, và không cho phép anh được mua hay giữ giấy viết như những tù nhân khác.

3. Trường hợp thứ ba là chị Phạm Thị Phượng (PTP). Theo thông tin vừa nhận được, chị PTP đã bị cơ quan an ninh điều tra khủng bố tinh thần rất nặng nề ngay sau khi bị bắt. Một trong số những sự khủng bố là hăm doạ sẽ tìm bắt và dẫn độ 6 đứa con trẻ dại của chị (đang tỵ nạn ở Thái Lan) về Việt Nam, nếu chị cương quyết không nhượng bộ và chấp hành yêu cầu của cơ quan an ninh điều tra; cụ thể là việc đọc lời thú tội được công an viết sẵn. Hiện nay, gia đình của chị PTP không còn ai ở Việt Nam nên không có ai thăm nuôi; và có tin là người em trai của anh Phạm Bá Huy (chồng chị PTP) cũng đã bị bắt, bị công an tịch thu toàn bộ ngân khoản gửi ngân hàng. Mặt khác, 6 người con nhỏ của vợ chồng chị PTP cũng đang sống trong tình trạng rất bấp bênh về mặt di trú và với tâm trạng bất an khi bị nhà cầm quyền CSVN đe doạ sang Thái Lan bắt đưa về Việt Nam.

Trước sự kiện đáng quan tâm này, VPLL Đảng Vì Dân đã phối kiểm và được biết là các thông tin nhận được trên đây có cơ sở khá rõ ràng.
Đảng Vì Dân phản đối và lên án nhà nước CSVN về hành động dùng nhục hình ép cung, phân biệt đối xử và khủng bố tinh thần những người bị giam tù vì nỗ lực đấu tranh chống nô lệ, độc tài, tham ô và bất công.
Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi nhà nước CSVN hãy chứng tỏ thiện chí hoà giải và đoàn kết dân tộc bằng cách đối thoại với những nhà dân chủ và tổ chức đối lập ở Việt Nam để tìm kiếm giải pháp chính trị thích hợp và tốt đẹp nhất cho đất nước; thay vì tiếp tục gây thêm mâu thuẫn, hận thù.

VPLL Đảng Vì Dân kính báo và tha thiết mong nhận được sự tiếp tay lên tiếng của các đoàn thể đấu tranh, nhân quyền và cơ quan truyền thông báo chí ở cả trong và ngoài nước về sự khủng bố của nhà cầm quyền CSVN đối với các tù nhân lương tâm nêu trên.
Chúng tôi xin đặc biệt cảm ơn sự chia sẻ thông tin của "một người bạn ở Việt Nam", và xin báo động cùng công luận để cùng góp một tiếng nói đấu tranh cho nhân quyền của những người đang lâm cảnh tù đày vì nỗ lực góp phần đấu tranh để cứu dân cứu nước.

Chân thành cảm ơn sự quan tâm và yểm trợ của quý vị.
Trân trọng kính thông báo.
VPLL Đảng Vì Dân

Rối loạn ở Thái Lan và Phong trào Dân chủ ở Việt Nam

Rối loạn ở Thái Lan và Phong trào Dân chủ ở Việt Nam

Trong thời gian gần đây, giữa lúc những vụ xuống đường biểu tình của phe Áo Ðỏ ở Bangkok gây ra những vụ xáo trộn lớn cho xã hội Thái Lan, một số người đã nhấn mạnh tới “tình hình chính trị ổn định” của Việt Nam với ngụ ý cho rằng “tranh đấu cho dân chủ có thể dẫn tới hỗn loạn.” Ðể tìm hiểu quan điểm của giới tranh đấu dân chủ Việt Nam về vấn đề này, Ban Việt ngữ VOA đã tiếp xúc với Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, người từng bị chính quyền Việt Nam cầm tù nhiều năm vì đã dịch và phổ biến trên internet bài viết “Thế nào là Dân chủ?” được đăng trên trang nhà của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Mời quí thính giả/độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn do Duy Ái thực hiện sau đây.

Duy Ái | Washington D.C, Thứ Năm, 06 tháng 5 2010


Hình: ASSOCIATED PRESS
Một người biểu tình Áo đỏ chống chính phủ bị binh sĩ bắt giữ trên đường phố gần nơi cư ngụ của Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva ở Bangkok

VOA: Hồi gần đây, trước tình hình hỗn loạn ở Thái Lan, một số người nói rằng đây là một diễn tiến bất lợi cho các phong trào dân chủ trên thế giới, đặc biệt là phong trào dân chủ Việt Nam, vì dân chúng có thể sẽ bớt ủng hộ cho phong trào vì không muốn thấy tình trạng rối loạn xảy ra. Là một người từng bị cầm tù và không ngớt bị sách nhiễu vì những hoạt động cổ xướng cho dân chủ Việt Nam, ông nghĩ sao về nhận định vừa kể?


Phạm Hồng Sơn: Để trả lời câu hỏi này của VOA, trước tiên tôi xin được nói sơ qua về nội dung của hai chữ “Dân chủ”.

Thứ nhất, trải qua lịch sử loài người tính từ thời Hy lạp cổ đại (trước CN khoảng 600 năm) đến nay, khái niệm “Dân chủ” trong khoa học chính trị ngày nay không chỉ bó hẹp trong một số cách hiểu rất đơn giản và thiếu hụt là xã hội có đa đảng hay có tổ chức các cuộc bầu cử có cạnh tranh. Mặc dù trong giới khoa học chính trị hiện nay vẫn chưa thống nhất được một bộ tiêu chuẩn cho “dân chủ”, nhưng các bộ tiêu chuẩn cho “dân chủ” hiện có thường xoay quanh năm vấn đề sau đây: 1. Các cơ quan truyền thông độc lập (không bị kiểm soát hoặc không phụ thuộc chính quyền) 2. Đời sống dân sự và các hội đoàn dân sự độc lập (không bị kiểm soát hoặc không phụ thuộc chính quyền) 3. Các tự do cơ bản của con người (nhân quyền) được thực thi. 4. Có cạnh tranh chính trị để chọn ra những người quản lý, lãnh đạo quốc gia. 5. Hệ thống quyền lực nhà nước có ba nhánh độc lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp).

Thứ hai, vì “dân chủ” được xác định bởi môt tập hợp các tiêu chuẩn, do đó các quốc gia khác nhau có thể ở những mức độ “dân chủ” khác nhau. Theo tổ chức nghiên cứu chính trị độc lập Economist Intelligence Unit thì có 4 mức độ dân chủ là: “dân chủ đầy đủ” (full democracy), “dân chủ thiếu hụt” (flawed democracy), “phi dân chủ” (nghĩa là độc tài, độc đoán, authoritarian) và một mức trung gian gọi là “chế độ hỗn hợp” (hybrid regime).

VOA: Thưa ông, dựa vào những tiêu chuẩn đó chúng ta có thể đánh giá ra sao về mức độ dân chủ ở Thái Lan?

Theo một xếp hạng năm 2009 về dân chủ của tổ chức Freedom House hoặc năm 2008 của Economist Intelligence Unit thì Thái Lan chỉ được đứng giữa trong nhóm các quốc gia “dân chủ thiếu hụt” (flawed democracy) hay còn gọi là nhóm “tự do một phần” (partly free).

Nhìn vào các bảng xếp hạng vừa kể, chúng ta chỉ thấy bạo loạn xảy ra ở các quốc gia “dân chủ thiếu hụt”, “độc tài” hoặc “hỗn hợp”. Ngoài ra, ta có thể thấy trong các quốc gia “dân chủ đầy đủ” cũng có những bất đồng chính trị, thậm chí khủng hoảng chính trị (như đang xảy ra ở Bỉ) hoặc có những cuộc biểu tình lớn phản đối chính phủ (như mới diễn ra ở Hy lạp) nhưng tất cả những khủng hoảng, phản kháng đó đều được giữ trong khuôn khổ ôn hòa và trật tự, những xô xát hay thậm chí thương vong (nếu có) đều ở mức thấp và trong tầm kiểm soát. Nhìn vào các nước “dân chủ đầy đủ”, thậm chí cả một số nước “dân chủ thiếu hụt” (có điểm số cao) như Đài Loan, Israel, Hungary, chúng ta cũng thấy “dân chủ” (đầy đủ) không chỉ giúp xã hội loại bỏ việc sử dụng bạo lực trong giải quyết các bất đồng mà còn là điều kiện để có một môi trường sống (thiên nhiên và xã hội) lành mạnh, một cuộc sống an toàn cho người dân. Trong bảng xếp hạng của Economist Intelligence Unit thì Thụy Điển là quốc gia đứng đầu bảng trong nhóm “dân chủ đầy đủ” và Bắc Triều tiên đứng cuối bảng trong nhóm “phi dân chủ” (độc tài), điều này có thể đi đến một kết luận là nếu chỉ căn cứ vào “bạo loạn” thì một quốc gia không có bạo loạn thì chỉ có thể là quốc gia đó rất tự do (dân chủ đầy đủ) hoặc rất mất tự do (như khi một con người đã bị trói chặt cả chân tay thì làm sao còn khả năng để va chạm với người khác).

Do vậy, nếu chỉ đơn thuần nhìn vào những hỗn loạn đang xảy ra ở Thái Lan, nhiều người sẽ cảm thấy phân vân với hai chữ “dân chủ” hoặc giảm nhiệt tình ủng hộ “dân chủ hóa”. Đặc biệt là đối với người dân Việt Nam- những người đã phải chịu đau khổ rất nhiều trong các cuộc xung đột với nhau và với các lực lượng nước ngoài thì tình trạng hỗn loạn, thương vong như đã xảy ra gần đây tại Thái Lan dễ làm cho người dân e sợ, cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, nếu chúng ta tìm hiểu kỹ hơn về tình hình Thái Lan và hiểu đúng và đầy đủ về Dân chủ, chúng ta sẽ thấy nhu cầu “dân chủ hóa” vẫn là một nhu cầu cấp thiết ở cả tầm thế giới và quốc gia. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia như Thụy điển, Na uy trong thế kỷ 19 hoặc Cộng hòa Séc ngay gần đây đều cho thấy các rối loạn, bạo lực là những điều có thể loại bỏ được hoàn toàn hoặc có thể kiểm soát ở mức chấp nhận được trong quá trình dân chủ hóa.

Cuối cùng, tôi xin được nhấn mạnh lại rằng “dân chủ hóa” không phải chỉ là việc đơn giản chấp nhận “đa đảng” hay tổ chức các cuộc “bầu cử có cạnh tranh”, cũng như xây dựng một nền kinh tế thị trường không phải chỉ là việc chấp nhận nền kinh tế đa thành phần theo kiểu hoang dã cách đây mấy trăm năm để chỉ có lợi cho một bộ phận những người có quyền thế và vô lương tâm. Và “dân chủ hóa” theo một lộ trình (nhiều bước) rõ ràng và khoa học khác hoàn toàn với việc lảng tránh, trì hoãn, đối phó hay bóp méo, giấu giếm nội dung đích thực của dân chủ để kéo dài tình trạng phi dân chủ và/hoặc để dọa dẫm người dân.


VOA:Giáo sư Michael Montesano là một chuyên gia về chính trị Thái Lan đang làm việc ở Viện Quốc tế Sự vụ Singapore (SIIA). Trong cuộc phỏng vấn mới đây (27-04-2010) dành cho VOA, ông Montesano nói rằng "các nước trong khu vực cần xem xét tới gốc rễ của vụ khủng hoảng Thái Lan và tự đặt câu hỏi là kinh tế và xã hội của đất nước mình có hay không có những nguyên do có thể đưa tới một vụ khủng hoảng tương tự." Ông có ý kiến gì về đề nghị của ông Montesano, và theo ông, Việt Nam cần làm gì để tránh được tình trạng xáo trộn hay khủng hoảng chính trị?


Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, người từng bị chính quyền Việt Nam cầm tù nhiều năm vì đã dịch và phổ biến trên internet bài viết “Thế nào là Dân chủ?” được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Phạm Hồng Sơn: Vâng, tôi hoàn toàn chia sẻ với gợi ý của ông Montesano và thực tế là nhiều người Việt Nam cũng rất chú tâm tới tình hình Thái Lan theo hướng tìm hiểu để áp dụng điều tốt hoặc phòng tránh cái xấu.

Nếu nhìn ở bề ngoài, thì nhiều người có thể lo ngại cho Thái Lan hơn Việt Nam. Nhưng nếu nhìn kỹ vào lịch sử và xã hội hiện nay của hai quốc gia thì vấn đề không đơn giản như thế.

Lịch sử của Thái Lan từ thế kỷ XIX cho đến nay khá phẳng lặng, không phải chịu các cuộc xung đột bạo lực lớn và kéo dài như Việt Nam. Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng chỉ thể hiện sự bế tắc trong việc giải quyết xung đột quyền lợi giữa hai thành phần chính trong xã hội Thái Lan hiện nay là thành phần thị dân trung lưu gắn bó với Hoàng gia và bên kia là nông dân và các thành phần dân nghèo. Cuộc khủng hoảng hiện nay chính là sự bùng nổ của mối mâu thuẫn đã âm ỉ từ lâu giữa hai thành phần vừa kể trong xã hội Thái Lan, khi tiếng nói và quyền lợi của nông dân và dân nghèo chưa bao giờ được ưu tiên hàng đầu trong chính sách quốc gia cho đến khi ông Thaksin lên nắm quyền vào năm 2001.

Lịch sử của Việt Nam từ thế kỷ XIX cho đến nay, ngược lại, đã phải liên tục trải qua nhiều cuộc chiến tranh lớn nhỏ kéo dài hàng chục năm với các tổn thất hàng triệu sinh mạng, do đó tâm lý nói chung của người dân là rất e sợ xung đột, bạo lực. Tuy nhiên xã hội Việt Nam hiện nay lại đang chứa rất nhiều mâu thuẫn lớn, nhỏ đan xen nhau và đặc biệt hơn Thái Lan là Việt Nam còn đang có một yếu tố hết sức nguy hiểm là chủ quyền đất nước đang bị đe dọa.

VOA: Xin ông vui lòng giải thích rõ hơn về những mâu thuẫn đó.

Theo tôi, có năm mâu thuẫn lớn đang tồn tại trong xã hội Việt Nam hiện nay:

Mâu thuẫn giữa chính trị và kinh tế:

Từ năm 1986, đặc biệt từ khi Việt nam có Luật Doanh nghiệp (năm 2000), nền kinh tế Việt nam thực chất đã chuyển từ nền kinh tế hoàn toàn do nhà nước độc quyền sang nền kinh tế thừa nhận quyền tự do kinh doanh của mọi người dân (kể cả đảng viên cộng sản) hay còn gọi là kinh tế thị trường. Nhưng hệ thống quyền lực nhà nước (nền chính trị) của Việt nam, từ năm 1986 đến nay, về cơ bản, vẫn không thay đổi, vẫn giữ nguyên tính chất độc quyền (của một nhóm người) với khả năng can thiệp tùy tiện vào mọi vấn đề của xã hội.. Lịch sử đã cho thấy một hệ thống chính trị độc đoán, phi dân chủ chỉ thuận lợi cho nền kinh tế thị trường kiểu hoang dã (cá lớn nuốt cá bé, vô pháp luật, vô trách nhiệm như thời Karl Marx còn sống). Đây là mâu thuẫn cơ bản nhất và là nguyên nhân sinh ra rất nhiều mâu thuẫn khác trong xã hội Việt Nam hiện nay. Mâu thuẫn này đang hiển hiện ra ngoài bằng nhiều vấn nạn như: thu nhập trung bình tăng nhưng chất lượng sống giảm (chất lượng tăng trưởng GDP thấp), khu vực doanh nghiệp nhà nước đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế (dù được hưởng nhiều ưu đãi hơn khu vực phi nhà nước), hiệu quả đầu tư vốn kém, tham nhũng gia tăng, hố phân cách giàu nghèo đang bị khoét sâu…

Mâu thuẫn giữa tuyên truyền của đảng cầm quyền độc nhất (Đảng Cộng sản Việt nam) với thực tế cuộc sống.

Hầu như tất cả những gì mà Đảng Cộng sản đang tuyên truyền hiện nay đều trái với thực tế. Ví dụ Đảng Cộng sản luôn tuyên truyền đảng viên cộng sản là những thành phần ưu tú của đất nước cả về trí tuệ và đạo đức, nhưng các vụ án tham nhũng lớn nhất hay các vụ án xâm phạm đạo đức đồi bại nhất đã bị phát hiện đều có các đảng viên cộng sản là thủ phạm chính hoặc đồng phạm; Đảng Cộng sản vẫn kêu gọi nhân dân đi theo Chủ nghĩa Marx-Lenin nhưng đời sống kinh tế của đảng viên cộng sản và chính sách kinh tế của Đảng đều trái ngược với nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Marx-Lenin.

Mâu thuẫn giữa một bộ phận nhỏ đảng viên cộng sản (có quyền) với đại bộ phận dân chúng ngoài Đảng Cộng sản.

Sự phân biệt đối xử hết sức vô lý giữa người là đảng viên cộng sản và người không phải là đảng viên cộng sản. Người không phải là đảng viên cộng sản thì dù tài giỏi đến mấy cũng không thể trở thành lãnh đạo trong các cơ quan công quyền. Còn nếu chấp nhận để trở thành đảng viên cộng sản thì cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận bị mất nhân cách (dù chỉ là tạm thời). Đảng viên cộng sản luôn được hưởng các đặc quyền, ưu đãi hơn những người ngoài Đảng, ngay cả khi cùng phạm một tội giống nhau.

Mâu thuẫn giữa khát khao tự do của giới trí thức và giới trẻ với sự hà khắc của thể chế chính trị.

Sau hơn hai thập niên mở cửa với thế giới, các giá trị văn minh của nhân loại như dân chủ, nhân quyền đang mỗi ngày thấm sâu vào nhận thức của giới trí thức và nhiều bộ phận dân chúng trong xã hội, hình thành một khát khao ngày càng lớn về nhân phẩm, về tự do cá nhân và tự do xã hội. Tuy nhiên khát khao tự do đó đang vấp phải sự dồn ép của thể chế chính trị độc đảng, phi dân chủ.

Mâu thuẫn giữa ngọn cờ truyền thống “độc lập, tự do” của Đảng Cộng sản với thái độ hiện nay của Đảng Cộng sản trước sự xâm lấn của Trung Quốc.

Thái độ nhún nhường trước các hành vi xâm lấn chủ quyền Việt nam của Trung Quốc và hành động cấm đoán, trấn áp những biểu hiện yêu nước của người dân đang xúc phạm ghê gớm đến tinh thần dân tộc, gây thất vọng lớn và bất mãn không chỉ đối với toàn thể nhân dân mà còn gây đau đớn cho đại bộ phận đảng viên cộng sản, đặc biệt những lão thành Cách mạng. Xã hội đang ngày càng xuất hiện nhiều đảng viên cộng sản thức tỉnh, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền dân tộc như Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Nhà thơ Bùi Minh Quốc, Nhà báo Tống Văn Công, Nhà văn Phạm Đình Trọng, Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, Trung tá Vũ Minh Trí...

Cùng với tình trạng xuống cấp trầm trọng trong hầu khắp các lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế, thực thi pháp luật và sự thiếu vắng hoàn toàn các phương tiện chính thống để người dân bày tỏ nỗi oan khuất, bức xúc, có thể nói xã hội Việt Nam đang âm thầm chất chứa rất nhiều mâu thuẫn, đan xen nhau ở nhiều tầng, nhiều lớp.

VOA: Triển vọng của việc giải quyết mâu thuẫn ở Việt nam và ở Thái Lan có gì khác nhau không, thưa ông?

Nếu coi những biểu hiện của Thái Lan hiện nay là hậu quả của phái hữu (phái bảo hoàng, giới tướng lãnh và các nhà tài phiệt thân hoàng gia) còn bảo thủ, đã không nhìn ra hoặc không đáp ứng kịp thời yêu cầu tiếp tục hoàn thiện nền dân chủ và bình đẳng xã hội, vẫn cố ỷ vào tâm lý sùng kính Vua Bhumibol Adulyadej của xã hội Thái Lan để duy trì những đặc quyền do nền dân chủ thiếu hụt đem lại, thì Việt Nam, phái tả cực đoan đang cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam hầu như không đáp ứng chút nào đối vớinhu cầu dân chủ hóa đang ngày càng nóng bỏng tại Việt Nam, họ vẫn cố lợi dụng tâm lý chán chiến tranh, muốn hòa bình, ổn định đời sống của đại bộ phận người dân để duy trì những đặc quyền do chế độc đảng phi dân chủ mang lại, bất chấp cả việc Tổ quốc bị xúc phạm, chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị cướp đoạt.

Bất kỳ xã hội nào cũng có mâu thuẫn, nhưng điều đáng nói ở Thái Lan hiện nay là cách thức giải quyết mâu thuẫn để cân bằng lợi ích giữa các thành phần trong xã hội đang có xu hướng bạo lực hóa nặng hơn (vì các tiêu chuẩn dân chủ còn thiếu hoặc bị phá vỡ). Trong khi đó những mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam lại đang bị tích tụ và dồn nén, bị trấn áp hoàn toàn (vì chưa đạt được một tiêu chuẩn dân chủ cơ bản nào).

Về lý thuyết, khi nghiên cứu các cuộc khủng hoảng (dù là chính trị, kinh tế, tài chính hay môi trường), người ta luôn thấy đằng sau các cuộc khủng hoảng (khi đã nổ ra) đều đã âm ỉ một nhu cầu thay đổi có tính nền tảng và nguyên nhân khiến khủng hoảng nổ ra (không ngăn chặn được khủng hoảng) là do con người đã không nhận biết hoặc không đáp ứng kịp cho nhu cầu thay đổi đó. Nói cách khác, trước khi một khủng hoảng xảy ra thường vẫn luôn có nhiều người và nhiều người có ảnh hưởng (về chuyên môn hoặc quyền lực) khẳng định rằng sẽ không có khủng hoảng. Chính yếu tố này qui định một đặc tính bất biến của khủng hoảng là tính bất ngờ. Vì vậy sẽ là không đơn giản khi thuyết phục những người có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam về những việc phải làm để tránh tình trạng khủng hoảng chính trị, xã hội có thể xảy ra.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào Thái Lan hiện nay, vẫn có một hy vọng cho cuộc khủng hoảng đang diễn tiến là, vì các bức xúc giữa các bên tại Thái Lan vẫn được thể hiện, không bị trấn áp hoàn toàn, nếu xu hướng căng thẳng bạo lực tiếp tục gia tăng thì cũng chỉ đến một mức độ là có thể được giải tỏa hoặc nhanh chóng bị kìm chế. Trong khi tại Việt nam, cho dù hiện tại xã hội vẫn tỏ ra im lặng, nhưng không ai có thể hình dung được hậu quả khôn lường một khi các mâu thuẫn nhiều tầng, nhiều lớp bị dồn nén, chất chứa lâu ngày đến mức phải tự bung ra. Tình trạng Thái Lan và Việt Nam hiện nay cũng có thể ví như hai chiếc nồi hơi đang bị đun nóng, một chiếc thì có van an toàn (soupape de sûreté), còn chiếc kia không có hoặc chiếc van đã bị bịt kín.

Nhưng chính tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay cũng là cơ hội cho những lãnh đạo, những đảng viên cộng sản thật sự còn có tấm lòng vì dân, vì nước thể hiện được bản lĩnh của mình, quyết tâm ngăn chặn khủng hoảng, chuyển hướng đất nước đi theo con đường dân chủ đích thực. Chỉ có dân chủ hóa mới có thể cứu nguy được đất nước khỏi những hiểm họa hiện nay, may ra còn vớt vát được phần nào những gì đã mất và đang tiếp tục mất vào tay Trung Quốc. Mọi biện pháp có tính đối phó, hình thức hay xoa dịu láu cá không thể giải quyết được vấn đề, chỉ khiến lòng dân thêm chán ngán và giúp kẻ xâm lược thêm táo tợn. Tâm lý chán ghét chiến tranh và e sợ bạo lực của đại bộ phận dân chúng sẽ là một yếu tố thuận lợi cho sự đồng thuận tiến tới những giải pháp ôn hòa, thỏa hiệp từng bước của lộ trình dân chủ hóa đích thực. Có thể nói ý thức độc lập, bảo vệ chủ quyền trước mối họa từ Trung Quốc và nhu cầu dân chủ hóa xã hội Việt Nam đang trở thành hòn đá thử vàng đối với các đảng viên cộng sản: đi với dân tộc thì còn có cơ hội tồn tại, không bị hậu thế nguyền rủa; vì lợi ích của cá nhân hay đảng phái mà phản bội dân tộc thì kết quả cuối cùng sẽ rất thê thảm. Tấm gương tày liếp của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống là những bài học lịch sử, đến nay, vẫn còn nguyên giá trị.

VOA: Xin cám ơn Bác sĩ Phạm Hồng Sơn.

NguoiVietBoston: Ngày 30 tháng 4



(Minh họa: Trần Minh Triết)

Dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã phải không ngừng chiến đấu để bảo vệ quyền tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử. Ở đó, mỗi ngọn núi, mỗi con sông đã mang đầy chứng tích của những cuộc chiến tranh tự vệ khốc liệt. Tổ tiên chúng ta đã phải trải qua bao nhiêu chịu đựng gian nan trong suốt nhiều thế kỷ, sáng xuống biển tìm ngọc trai, chiều lên non tìm ngà voi châu báu.

Nhưng từ những chịu đựng, từ những máu xương và nước mắt, tinh thần độc lập, tự chủ đã được khai sinh và lớn lên cùng chiều dài lịch sử. Nếu không nhờ tinh thần độc lập tự chủ đó, ngày nay Việt Nam không phải là nước Việt Nam mà là tỉnh Việt Nam, như tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây hay đã chịu chung số phận của Mãn Châu, Nội Mông, Tây Tạng.

Với một lãnh hải dài hơn ba ngàn cây số, với một nguồn dự trữ tài nguyên thiên thiên phong phú, Việt Nam luôn là miếng mồi ngon cho tham vọng bành trướng của ngoại bang. Họa bắc phương chưa qua, giặt tây phương đã đến. Trong suốt gần một thế kỷ trong bóng tối thực dân, hàng vạn đồng bào thuộc nhiều thế hệ Việt Nam đã bị bắt, tra tấn và hy sinh. Ngoài một Nguyễn An Ninh để lại thịt xương, một Trần Cao Vân, một Phan Chu Trinh để lại những bài thơ viết bằng máu và mồ hôi trong những ngày đập đá Côn Luân, còn có hàng ngàn, hàng vạn đồng bào đã chết trong âm thầm, không để lại họ tên.

Sau khi vừa thoát ra khỏi ách thực dân. Những ngày tháng thanh bình trên quê hương không được bao lâu, tiếng súng lại nổ vang. Bộ chính trị đảng Lao Động Viêt Nam, tên đối ngoại của đảng Cộng Sản Việt Nam, quyết định Cộng Sản hóa miền Nam bằng vũ lực. Từng đoàn thanh niên miền Bắc lại phải từ giã mái trường, từ giã gia đình thân thuộc, băng rừng vượt suối vào Nam để hoàn thành giấc mơ nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam của Hồ Chí Minh và quốc tế Cộng Sản. Chim rừng Trường Sơn bặt tiếng hót. Màu hỏa châu thay thế ánh trăng vàng. Tiếng đại bác đêm đêm đã thay cho tiếng ru ngọt ngào của mẹ. Những chiếc bánh vẻ độc lập, tự do, hạnh phúc lần nữa được trưng bày giữa căn nhà đổ nát và nghèo đói Việt Nam.

Trong suốt 20 năm từ sau 1954, quân dân miền Nam, không có một con đường nào khác hơn là phải chiến đấu để bảo vệ quyền được sống trong một xã hội họ đã chọn lựa, quyền được nói những điều họ nghĩ, quyền được sống nơi họ muốn sống, quyền đi nhà thờ, đi chùa họ chọn, quyền được hát bài hát họ thích. Quân dân miền Nam không chỉ phải bảo vệ miền Nam mà còn phải chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn để gìn giữ vùng trời và vùng biển Việt Nam. Hạt cát Hoàng Sa vẫn còn đỏ màu máu của Ngụy Văn Thà và hàng trăm chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng hy sinh.

Việt Nam Cộng Hòa có một quân lực hùng hậu, tinh nhuệ nhất Đông Nam Á được chứng minh qua những chiến tích lẫy lừng trong việc bảo vệ An Lộc, tái chiếm Cổ Thành, trấn giữ Bồng Sơn, Thường Đức v.v…Vâng, nhưng một đạo quân, dù tinh nhuệ bao nhiêu, các tướng lãnh dù tài ba thao lược bao nhiêu, trong một cuộc chiến chỉ nhằm mục đích tự vệ và kéo dài quá lâu, cũng không thể thắng một đạo quân xâm lược, cuồng tín và không từ chối bất cứ một phương tiện gì để đạt được mục đích thôn tính miền Nam.

Tháng tư đen 1975 đã đến.

Đối với người Việt Tự Do, ngày 30 tháng 4 mang nhiều ý nghĩa. Trên bình diện lịch sử ngày 30 tháng 4 là một ngày đen. Ngày những chiếc tăng T54 do Liên-Xô chế tạo nghiền nát đường phố Sài Gòn thân yêu rợp bóng me xanh. Ngày những chiếc trực thăng cất cánh từ sân thượng của những cao ốc. Ngày có những tiếng loa phóng thanh ra lịnh các cấp chính quyền miền Nam tập trung, trình diện vang lên trên đường phố. Ngày những Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Lê Văn Hưng, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Văn Long và bao nhiêu người con yêu khác của mẹ Việt Nam đã dò theo bước chân của Trần Bình Trọng, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương mà lần lượt ra đi.

Và cũng bắt đầu từ đó. Từ những cửa biển Đà Nẵng, Sài Gòn, Vũng Tàu, Cam Ranh, Nha Trang sau những ngày tháng Tư, mùa bão lửa, năm 1975. Những chuyến hải hành vô định trên biển Đông trùng trùng gió bão. Đói khát. Lo âu. Những địa danh xa lạ bỗng trở thành thân thiết, Camp Pendleton, Leamsing, Palawan, Pulau Bidong, Sungai Besi, Bataan, White Head, Panat Nikhom, Galang. Ngửa tay cầm chén gạo tình người. Thank you, merci, danke, gracias. Tuổi hai mươi, ba mươi, và ngay cả năm mươi, bảy mươi mới bắt đầu tập nói. Những câu tiếng Anh bập bẹ, những dòng chữ Pháp, Đức, Tây Ban Nha ngập ngừng.

Nhưng từ vực sâu của đau thương chịu đựng đó, dân tộc Việt Nam đã thức tỉnh và nhận diện ra kẻ thù chính của dân tộc Việt Nam không phải là Pháp hay Mỹ, mà chính là giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam, những kẻ chỉ vì tham vọng quyền lực và quyền lợi đã manh tâm bán đứng dân tộc, làm tôi mọi cho ngoại bang, rước voi về giày lên mảnh giang sơn gấm vóc Việt Nam mà tổ tiên chúng ta bao đời gìn giữ.

Những que diêm độc lập tự do dân chủ thật sự đã được thắp lên. Thắp lên ở nhà thờ Vinh Sơn, thắp lên trong nhà giam Phan Đăng Lưu, thắp lên ở các trại tù Hàm Tân, Suối Máu, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Thanh Phong, Thanh Hóa, An Điềm.

Tại miền Bắc, những tướng lãnh, những cán bộ cao cấp một thời là trụ cột trong triều đình Cộng Sản như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Trần Xuân Bách, những cán bộ lãnh đạo của phong trào Cộng Sản miền Nam như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Nguyễn Văn Trấn, dù trễ còn hơn không, đã gióng lên tiếng nói trước thảm họa đen tối mà dân tộc Việt Nam đang bị chìm sâu.

Tại miền Nam, các lãnh đạo Phật Giáo, Công Giáo, Hòa Hảo như Đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Đức Giám Mục Nguyễn Kim Điền, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, cụ Lê Quang Liêm v.v.. đã công khai phản đối nhà cầm quyền Cộng Sản vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo. Các phong trào cách mạng dân tộc nhân bản, bằng nhiều hình thức khác nhau, võ trang và không võ trang, ôn hòa và cứng rắn, đã bùng nỗ tại nhiều nơi.

Các cấp lãnh đạo trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, tuy đã bị tước đoạt vũ khí, bị đày ải trong các trại tập trung khắp ba miền đất nước nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu dưới hình thức khác. Ngoại trừ một số rất nhỏ bị khuất phục, đại đa số, vẫn giữ được nhân cách, khí tiết và niềm tin vào chính nghĩa tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam. Họ bước ra khỏi cổng trại tù không phải như những người sống sót mà là những người chiến thắng.

Tức khắc sau khi được nhận định cư tại Mỹ qua chương trình HO, dù thể lực đã cạn dần sau nhiều năm bị đầy đọa, những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã cùng với đồng bào đến trước, tiếp tục đấu tranh vì lý tưởng tự do dân chủ mà bao nhiêu đồng đội của họ đã đổ máu để giữ gìn. Mặt trận mới không diễn ra bằng súng đạn nhưng bằng sự tiếng nói, bằng thái độ. Mặt trận mới không diễn ra ở Dakto, Bình Long, Quảng Trị hay Vĩnh Phú, Hoàng Liên Sơn, Thanh Phong, Thanh Hóa, Hàm Tân, Tiên Lãnh, Suối Máu, An Điềm… mà bằng các phượng tiện truyền thông dân chủ.

Ba mươi lăm năm. Thời gian trôi trên giòng sông đời bất tận. Những mái tóc xanh nay đã bạc, những khổ đau chồng chất đã vơi đi, nhưng ý thức dân tộc, khát vọng dân chủ tự do không già đi, không yếu đi theo tuổi tác mà mỗi ngày đã mạnh hơn, mỗi ngày có thêm nhiều chất liệu trẻ trung và hy vọng hơn.

Các thế hệ trẻ Việt Nam trong cũng như ngoài nước đã đứng lên đáp lời sông núi, tiếp tục hành trình của thế hệ cha anh. Hình thức đấu tranh của thời đại hôm nay có thể khác với hình thức của 35 năm trước, phương pháp đấu tranh có thể khác với phương pháp của 35 năm trước, vũ khí đấu tranh có thể cũng khác với vũ khí của 35 năm trước, nhưng mục đích cuối cùng: tự do, dân chủ, nhân bản và thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam vẫn không thay đổi.

Việc bỏ tù hàng loạt các trí thức trẻ như luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Quốc Quân, luật sư Lê Chí Quang, bác sĩ Phạm Hồng Sơn v.v và mới đây như luật sư Lê Công Định, kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, kỹ sư Nguyễn Tiến Trung v.v.. chỉ chứng tỏ sự tuyệt vọng của nhà cầm quyền Cộng Sản, và như chúng ta đang thấy trong những tuần qua, càng bắt bớ, càng bỏ tù, ngọn lửa yêu nước trong tuổi trẻ càng bùng cháy cao hơn.

Cuộc vận động dân chủ ngày nay không phải là môi trường chỉ dành riêng cho những người ly khai khỏi mọi ràng buộc, dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho lý tưởng tự do dân tộc như cha ông chúng ta đã làm ngày trước mà diễn ra ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi ngành nghề và mọi người đều có thể tham gia.

Cuộc tranh đấu ngày nay không bắt đầu từ những trận đánh lớn ngoài mặt trận như trong thời chiến mà bắt đầu từ công việc nhỏ của mỗi chúng ta đang làm; không bắt đầu từ cấp cao xuống cấp thấp, từ trung ương đến địa phương mà bắt đầu từ trong hoàn cảnh của mỗi người, mỗi gia đình, thôn xóm, trường học, quận huyện, thành phố và tiến dần đến phạm vi toàn xã hội.

Mỗi người Việt Nam yêu nước, trong hay ngoài nước, vận dụng mọi điều kiện thuận lợi của mình, chủ động tạo nên một mặt trận riêng nhưng nhằm theo đuổi mục tiêu chung là cô lập, bào mòn, tẩy chay và cuối cùng loại bỏ cơ chế chính trị độc tài, độc đảng, mở đường cho công cuộc phục hưng toàn diện Việt Nam, giành lại Hoàng Sa, Trường Sa từ tay Trung Cộng.

Vũ khi mạnh nhất của thời đại hôm nay là Đoàn Kết Dân Tộc. Với sức mạnh Đoàn Kết Dân Tộc, chúng ta mới có khả năng bảo vệ được chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam. Bằng sức mạnh Đoàn Kết Dân Tộc chúng ta mới có khả năng vượt lên những hệ lụy quá khứ để hướng vào tương lai tươi sáng cho đời đời con cháu mai sau. Bằng sức mạnh Đoàn Kết Dân Tộc chúng ta mới có khả năng phục hồi sự kính trọng Việt Nam trong lân quốc cũng như trong bang giao quốc tế.

Dân tộc Việt Nam vẫn là một Việt Nam độc lập sau một ngàn năm bắc thuộc. Dân tộc Việt Nam vẫn là một Việt Nam tự do sau một trăm năm dưới ách thực dân, dân tộc Việt Nam sẽ chiến thắng Cộng Sản độc tài. Ngọn lửa vô thần đã tàn lụi trên phần lớn trái đất và sẽ tàn lụi tại Việt Nam.

Ba mươi lăm năm là một quảng đường dài. Chúng ta đã hơn một lần trể hẹn với non sông, nhưng không phải vì thế mà không còn cơ hội nào khác. Cơ hội vẫn còn đó nếu chúng ta biết đoàn kết, thấy được hướng đi chung của dân tộc và thời đại. Chúng ta có nhiều quá khứ nhưng đất nước chỉ có một tương lai, đó là tương lai tự do, dân chủ, nhân bản và khai phóng cho những ai, sau những điêu tàn đổ vỡ, còn biết nhận ra nhau, còn biết yêu thương mảnh đất thiêng liêng, vinh quang và thống khổ Việt Nam.



NguoiVietBoston
http://nguoivietboston.com/?p=24012